Sunday, August 5, 2012

Chả giò- Chả ram


Trong văn hóa ẩm thực Việt, chả giò là một trong những món được chu du đến nhiều miền đất trên thế giới nhất, thậm chí còn hơn cả “người anh em” phở. Chiếc cuốn tròn nho nhỏ, nóng giòn với phần nhân mềm mại bên trong đã được thế giới biết đến bằng một cái tên cũng rất đẹp: spring rolls - cuốn mùa xuân.


Cuốn mùa xuân

Ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, món cuốn chiên không lạ. Sự khác nhau giữa chả giò Việt Nam và những món cuốn chiên của các nước khác có chăng là ở phần nhân bên trong và loại vỏ bánh cuốn bên ngoài. Nhưng nếu nhắc đến chả giò thì không thể nhầm lẫn xuất xứ của nó, bởi đây là món “độc quyền” của Việt Nam.
  


 Chả giò theo đúng truyền thống được chế biến từ những nguyên liệu dễ kiếm, cách thực hiện cũng đơn giản. Nhân chả giò là thịt hoặc tôm băm nhuyễn, trộn cùng miến ngâm nở, cắt nhỏ, nấm mèo và hành lá băm nhỏ, nêm nếm thêm chút muối cho vừa ăn. Cuốn nhân này vào bánh tráng dẻo độ dài chừng ba lóng tay, rồi chiên trong chảo dầu nóng vừa ngập mặt cuốn chả giò. Để lửa liu riu và trở đều tay cho đến khi cuốn chả giò chín vàng đều.

Chả giò chiên ăn cùng nước mắm pha với chanh, ớt, tỏi, đường, bún sợi nhỏ, các loại rau củ làm chua và các loại rau thơm (ngò, tía tô, quế, rau răm, diếp cá, kinh giới, húng lủi, xà lách). Cùng với bún và rau mát lạnh, tươi xanh, chả giò lại nóng hôi hổi, trong thì mềm mại, ngoài thì giòn tan. Gọi chả giò là cuốn mùa xuân cũng không sai, bởi món ăn này rất thích hợp dùng trong thời tiết se se lạnh cuối đông đầu xuân, để mọi người cảm nhận sự quyến rũ từ chiếc cuốn tròn nóng.

Màu vàng hổ phách và chất giòn tan trong miệng của chả giò cũng chinh phục được nhiều thực khách nước ngoài. Riêng người Nhật còn xem đây là món giảm béo nhờ cả lượng tinh bột lẫn cách ăn có thể cuốn với nhiều rau xanh, trong khi lượng dầu thấm vào cuốn lại không đáng kể.

Hương sắc mới cho chả giò
 


Tùy theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…

Miền Bắc vốn nổi tiếng với món nem cua biển và nem ốc (được cuốn từ ốc, thịt nạc dăm, lá lốt, lá ngải cứu, hành hoa băm nhỏ, trứng gà). Miền Nam có các loại chả giò độc chiêu không kém nhưchả giò từ các loại trái cây tươi như chuối, bơ, xoài, mít, thơm, thậm chí có cả chả giò hải sản sầu riêng. Món ăn trở nên lạ miệng và đặc sắc nhờ kết hợp tinh tế giữa vị ngọt của trái cây (lại rất giàu vitamin) cùng hải sản tươi ngon. Về sau này, cuốn chả giò còn có nhiều biến tấu mới lạ như chả giòtừ thịt cá basa, cá sấu, đà điểu hay thậm chí là thịt bò Kobe đắt tiền tại những nhà hàng năm sao trong thành phố lớn.


 Chiếc áo chả giò cũng được thay đổi không kém phần phong phú. Ngoài miếng bánh tráng mỏng,chả giò còn có thể được gói từ loại bánh tráng dạng lưới, còn gọi là chả giò rế - một “phát minh” độc đáo để cuốn chả giò ít ngậm dầu hơn. Cũng có thể làm chả giò từ bánh đa mè, vỏ bao hoành thánh, hay da bò bía mềm. Để tạo độ xù và giòn tan, cuốn chả giò được lăn qua lớp bột xù hay vụn bánh mì, ăn rất lạ miệng.

Riêng chả giò cá lóc cũng không giống bất cứ loại nào nhờ vị ngọt lành từ cá lóc tươi, bọc bên ngoài là miếng da cá được lạng thật mỏng, lăn qua một lớp bột mỏng vừa đủ, miếng chả giò chiên xong nhờ đó sẽ giòn mà không vỡ.

Cách gói chả giò cũng đa dạng không kém, từ cuốn tròn nhỏ thon thon như ngón tay, đến cuốn hình tam giác, hình vuông, chữ nhật hay thậm chí cả hình thôi! Thế mới biết, chiếc chả giò truyền thống cũng được thay nhiều chiếc áo mới đầy thú vị.

Ẩm thực Việt theo vùng miền, dân tộc


Tuy có những nét chung, ẩm thực Việt Nam có đặc điểm khác nhau theo từng vùng, mặc dù trong từng vùng này ẩm thực của các tiểu vùng cũng thể hiện nét đặc trưng:
Ẩm thực miền Bắc
Bún Riêu
Bún Riêu
Ẩm thực miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến v.v. và nhìn chung, do truyền thống xa xưa có nền nông nghiệp nghèo nàn, ẩm thực miền Bắc trước kia ít thịnh hành các món ăn với nguyên liệu chính là thịt, cá. Nhiều người đánh giá cao Ẩm thực Hà Nội một thời, cho rằng nó đại diện tiêu biểu nhất của tinh hoa ẩm thực miền Bắc Việt Nam với những món phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì v.v. và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.
Ẩm thực miền Nam
Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui
Ẩm thực miền Nam, là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường gia thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.). Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay nhiều khi đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v.
Ẩm thực miền Trung
Bánh bèo chén
Bánh bèo chén
Đồ ăn miền Trung với tất cả tính chất đặc sắc của nó thể hiện qua hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua và các loại mắm ruốc. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, ẩm thực Huế không chỉ rất cay, nhiều màu sắc mà còn chú trọng vào số lượng các món ăn, tuy mỗi món chỉ được bày một ít trên đĩa nhỏ.
Ẩm thực của các dân tộc thiểu số Việt Nam
Xôi nếp nương
Xôi nếp nương
Với 54 dân tộc sống trên nhiều vùng địa lý đa dạng khắp toàn quốc, ẩm thực của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng biệt. Rất nhiều món trong số đó ít được biết đến tại các dân tộc khác, như các món thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều món ăn đã trở thành đặc sản trên đất nước Việt Nam và được nhiều người biết đến, như mắm bò hóc miền Nam, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coóng phù (dân tộc Tày), lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cốn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ v.v.
Ẩm thực Việt Nam trên thế giới
Phở bò
Phở bò
Theo bước chân của người Việt đến khắp thế giới, ẩm thực Việt với tất cả những nét đặc sắc của nó dần được biết tới nhiều ở các nước khác như Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc và các nước châu Âu có cộng đồng người Việt ngụ cư. Có thể dễ dàng tìm thấy các tiệm ăn Việt Nam ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Cộng hoà Séc, Đức, Ba Lan và Nga. Các món ăn thuần Việt như phở, nem rán và các loại hương liệu đặc biệt như mắm tôm, rau húng rất phổ biến ở những vùng có đông người châu Á, trong đó có người Việt, sinh sống. Tuy nhiên ẩm thực Việt Nam tại các nước trên thế giới đã ít nhiều lai tạp với ẩm thực bản địa, hoặc đã gia giảm, thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị của cộng đồng dân cư khắp thế giới.

Tuesday, January 17, 2012

Chả Cá.




Khắp một dải ven biển miền Trung có biết bao nhiêu loại cá thơm ngon, tươi sống. Những thứ cá tươi ngon, mặn mòi ấy được người dân chế biến làm các loại chả, ninh nước dùng kết hợp với sợi bánh canh tạo nên một hương vị đặc trưng, một món ăn để nhớ để thương của miền nắng gió.

Chả cá miền Trung có tiếng thơm ngon bởi đều được làm từ cá tươi đánh bắt từ biển về không qua tẩm ướp bảo quản. Có bao nhiêu loại cá là có bấy nhiêu hương vị chả cá khác nhau. Miếng chả cá chiên vàng, thơm phức khiến khách ăn rồi vẫn thèm.







Khi làm chả, người ta thường dùng cá mối, cá thu, cá thởn, cá rựa, cá nhồng, cá chuồn, cá cờ… …vừa thơm, dai, mềm, ngọt đậm đà lại mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao; nhưng ngon nhất là chả cá nhồng hương, giờ rất hiếm. Chả cá thường hấp hay chiên (chiên thơm hơn nhưng hấp lại ngọt). Dù chiên hay hấp, chả luôn có đặc trưng là dai, mềm và ngọt vị cá, càng đậm đà hơn nếu chấm một chút nước mắm ớt tỏi đặc.




Làm chả cá đơn giản, chỉ nhọc công ở khâu giã cá. Cá tươi nạo lấy thịt cùng hành, tỏi, tiêu, gia vị bỏ vào cối quết thật nhuyễn, càng nhuyễn càng dai. Nếu là chả cá hấp thì có thể cho thêm mỡ khổ xắt hột lựu, ít nấm mèo thái nhuyễn, hấp đến khi gần chín, đập thêm một quả trứng cho bề mặt có màu vàng.




Chả cá có khi không bắt thành dề mà vo viên tròn hay dài rồi chiên.Chả cá còn là nguyên liệu chính của món bánh canh, bún cá hay mì Quảng hoặc được ăn kẹp với bánh mì.

Tuesday, January 10, 2012

Phở


Phở Hà Nội.



Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Phở ngon phải là phở "cổ điển", nấu bằng thịt bò,"nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh ớt với hành tây đủ cả", "rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm gắt, lại điểm thêm một ít cà cuống, thoảng nhẹ như một nghi ngờ". Vào thời những năm 1940, phở đã rất phổ biến ở Hà Nội: "Đó là thứ quà ăn suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa và ăn phở tôi.

Như một hình ảnh quen thuộc, nhiều người khi nhắc đến Hà Nội thì trong trí óc đã kịp hình dung ra những gánh hàng phở rong ruổi trên khắp các phố phường hay những quán phở nằm sâu trong những ngõ nhỏ chật hẹp… Từ lâu người Hà Nội đã hình thành thói quen đi ăn phở để hoà mình cùng cuộc sống nhộn nhịp sôi động của phố phuờng và để trở về với nét văn hoá ẩm thực truyền thống.


Dường như phở kém chất lượng sẽ không tồn tại được với người Hà Nội vốn được tiếng sành ăn. Phở Hà Nội có cái ngọt chân chất của xương bò, cái thơm của thịt vừa chín đến độ để vẫn dẻo mà lại không dai. Màu nước phở trong, bánh phở mỏng và mềm. Chỉ nhìn bát phở thôi cũng đủ thấy cái chất sành điệu, kỹ càng trong ăn uống của người Hà Nội. Một nhúm bánh phở đã trần qua nước nóng mềm mại dàn đều trong bát, bên trên là những lát thịt thái mỏng như lụa điểm mấy ngọn hành hoa xanh nõn, mấy cọng rau thơm xinh xắn, mấy nhát gừng màu vàng chanh thái mướt như tơ, lại thêm mấy lát ớt thái mỏng vừa đỏ sậm vừa màu hoa hiên.

Những người yêu quý phở ở sự hài hoà giữa nước và cái, giữa thịt và bánh phở đã tạo nên cái ý vị riêng cho phở , không món ăn nào có được.


(Sưu Tầm)

Sunday, January 8, 2012

Canh cá nấu măng



Nguyên Liệu:

- 1 con cá chép hoặc cá rô phi khoảng 600g
- 300g măng chua
- 3 quả cà chua
- Hành xanh, thì là
- 1 củ hành tím
- Nước mắm, hạt nêm.

Ngon vô cùng canh cá nấu măng, Ẩm thực, Am thuc, mon ngon, mon ngon de lam, canh ca, canh ca nau mang

Thực hiện

  • Cà chua thái múi cau, hành tím thái nhỏ, dọc hành trắng thái nhỏ.
  • Măng luộc kĩ 1- 2 lần, khi luộc mở vung. Xé miếng vừa ăn.
  • Cá chép làm sạch cắt đôi ướp chút muối, mì chính.
  • Thì là, hành lá rửa sạch rồi cắt khúc chừng đốt ngón tay.
  • Làm nóng chút dầu ăn trong nồi với lửa vừa, cho hành tím cùng dọc hành trắng và phi thơm.
  • Thêm cà chua, đảo đều. Ở bước này bạn không dùng hết chỗ cà chua mà để lại vài miếng thêm vào khi canh cá gần chín để cà chua còn nguyên miếng và có màu sắc đẹp mắt hơn.
  • Tiếp đến cho măng vào xào chung, nêm nếm với 1 thìa canh hạt nêm và 1 thìa canh nước mắm. Bước này bạn xào kỹ một chút, măng ngấm gia vị sẽ ngon hơn rất nhiều.
  • Đổ nước vừa ăn, đun sôi rồi thả cá đã ướp vào. Bạn cũng có thể chiên sơ cá rồi mới cho vào nồi.
  • Đun canh cá thêm khoảng 15 phút nữa thì bạn cho nốt chỗ cà chua còn lại vào nồi.
  • Đun sôi thì rắc hành lá, thìa là và tắt bếp, múc canh ra bát ăn nóng.
Món canh cá nấu măng với vị chua nhẹ, khi ăn từng miếng măng ngấm gia vị, quyện dầu ăn và mỡ từ cá mềm thơm vô cùng hấp dẫn.
Cá chín tới, vị ngọt và thơm tự nhiên, chấm với nước mắm tỏi ớt ăn cùng cơm sẽ rất tuyệt.


Theo 24h.com.vn (Chủ nhật, ngày 03/07/2011)

Friday, January 6, 2012

Hủ Tiếu

Hủ tiếu, không phải là món ăn có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng sau khi vào miền Nam được người Việt cải biến để hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Và cũng đã từ lâu có 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất ở các tỉnh phía Nam, đó là: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc và trở thành một trong những nét văn hóa ẩm thực của người Việt mà bạn sẽ bắt gặp hàng ngày ở mọi nẻo đường, đặt biệt là trên đường phố Sài Gòn.


Hủ tiếu là món ăn bao gồm nước súp, thịt và bánh bột, sợi nhỏ như sợi bún.


Hủ tiếu Mỹ Tho


Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở chỗ không ăn với xà lách, giấm, rau ghém, mà dùng giá sống, chanh, ớt, nước tương.






Tên hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào đầu thập niên 60, khởi đầu từ các xe, các quán hủ tiếu bên đường, ở bến xe với các tên nghe rặc Tàu như là : Phánh Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký, Nam Sơn, Diệu Ký, Quang Ký, Oai Ký, Gia Ký, Tuyền Ký. . . trải rộng từ Mỹ Tho đến Gò Công vào tận các quận Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy. . .


Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm chợ Ðào). Muốn hủ tiếu ngon thì bánh phải khô, khi nấu trụng sơ nước sôi, tươm mỡ hành phi, cọng trong bóng, bắt mắt.


Tô hủ tiếu ngon, hơn kém nhau còn tuỳ thuộc vào nồi nước lèo. Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt, mực khô cùng với những loại rau củ như củ cải, cà rốt... Các món phụ gia góp phần làm nên danh hiệu hủ tiếu Mỹ Tho là giá sống, chanh, ớt, hẹ, nước tương (sau này còn có thêm rau cần). Ăn hủ tiếu dai Mỹ Tho với giá sống, chút hẹ cắt khúc, nặn miếng chanh, thêm chút nước tương. Hủ tiếu Mỹ Tho nấu với thịt heo bầm, có điểm con tôm thẻ, lột xẻ đôi, có người đòi thêm đồ lòng heo, sườn heo và trứng cút nữa.




Hồi trước hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày trên mặt, trông ngon mắt. Giờ để giá thành hợp túi tiền của số đông, người ta thay bằng sườn và trứng cút .


Ghé Mỹ Tho, phải tìm đến mấy quán hủ tiếu trên đường Trưng Trắc, dọc bờ sông thì mới đúng là hủ tiếu Mỹ Tho chánh gốc.


Hủ tiếu Sa Đéc


Tuy không "nổi đình nổi đám" bằng hai bậc đàn anh, nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có một giá trị đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức món ngon.


Sa Đéc là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Làng nghề truyền thống chuyên làm bột, làm bánh hủ tiếu, bánh phở nơi đây tồn tại đến nay có trên 4 đời (khoảng hơn 100 năm). Bột Sa Đéc với "nhãn hiệu trình tòa" Con Nai nổi tiếng ngon nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến Sa Đéc bằng ngả nào, người ta cũng bắt gặp cảnh phơi bột trên những chiếc vỉ đậy cẩn thận.








Bánh hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.








Nguyên liệu quan trọng khác của hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng, tim, gan... đều mới "ra lò", còn nóng ấm. Điểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm miệng lưỡi cho tô hủ tiếu Sa Đéc có hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng hành, nhất là sự hiện diện của "tăng xại" - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Bên cạnh tô hủ tiếu là đĩa giò cháo quẩy, đĩa rau tươi (giá, hẹ cắt đôi, cần tàu và xà lách), chén nhỏ xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm.


Hủ tiếu Nam Vang


Nhiều người gọi đùa món hủ tiếu Nam Vang là món ăn "đa sắc tộc". Bởi nó có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến cho người... Việt thưởng thức.


Tô hủ tiếu Nam Vang nguyên gốc của người Tiều bên Campuchia chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Về đến Sài Gòn lại có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút…








Nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng rồi mới cho các nguyên liệu phụ vào. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực... Nhưng nhất thiết phải có thịt băm. Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhờ vậy tô hủ tiếu đã ngon lại còn hấp dẫn hơn rất nhiều.
Nước dùng muốn đạt được chất lượng cao phải nấu bằng xương ống của heo, một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để cho một thứ nước trong vắt ngọt lịm.












Theo Thu Huyền
Yeudulich

Wednesday, January 4, 2012

Bánh Cuốn

Bánh cuốn nóng vốn là món ăn khoái khẩu quen thuộc của mọi người. Những ai đã từng thưởng thức món ăn dân dã mà bình dị này đều không khỏi bồi hồi, dâng lên cảm giác thèm ăn khi nhắc đến.




Quả thực còn gì thú vị bằng việc thưởng thức từng miếng bánh cuốn nóng hổi, trắng trong, dai dai quyện lẫn vị bùi bùi của nhân thịt mộc nhĩ, nấm hương. Nói bình dị bởi từ lâu nay bánh cuốn được xem như món quà quê bởi nó không quá cầu kỳ mà lại rất nhẹ nhàng. bạn có thể dùng món này vào mọi thời điểm trong ngày.

 


Với bánh cuốn, nhân bánh có nhiều thịt, mộc nhĩ , lại có thêm nấm hương thái nhỏ. Nhân bánh được rang chín trước khi phết vào bánh. Nhân vẫn giữ được vị ngọt, mộc nhĩ giòn giòn hòa quyện với mùi thơm của nấm hương. Nhân được rải lên vỏ bánh vừa tráng xong khói bốc nghi ngút rồi cuộn lại. Bôi một chút mỡ phi hành bên ngoài cho bánh bóng rồi xếp vào đĩa. Sau đó điểm thêm một chút hành khô phi vàng thơm lừng và một chút ruốc tôm trắng hồng trông rất đẹp mắt. Nếu chỉ có vậy, chắc cũng không có gì đáng nói, để phải trầm trồ, để mỗi sáng mình phải làm đĩa bánh trước khi đi làm.


Điều đặc biệt của món bánh cuốn nóng nằm ở nước mắm chấm bánh. Bát nước chấm rất đậm đà, có đủ vị chua, cay, mặn , ngọt, vừa ăn vừa húp được. Nước chấm bánh cũng chỉ có nước mắm, đường, giấm thanh.

 

Bạn muốn ăn cay có thể điểm thêm một vài lát ớt. Bánh cuốn sẽ được thưởng thức cùng với bát nước chấm có vài lát chả trong đó, một ít tinh dầu làm nên điều tuyệt vời cho đĩa bánh. Chả ăn kèm với bánh cuốn cũng có vị rất đặc biệt vừa beo béo, vừa giòn, lại thơm phưng phức. Khi ăn bánh cuốn sẽ kèm thêm 1 đĩa nhỏ rau thơm và một đĩa dưa món đu đủ.Bạn chỉ việc dùng đũa gắp bánh chấm, ăn kèm chả thịt rất ngon miệng.

(Sưu tầm)